Đông y cho rằng, trám có vị ngọt chát, nhập vào kinh phế và kinh vị có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận phổi thông hô hấp, tiêu đờm, tiêu ứ, có thể chữa các bệnh sưng họng, nhiệt ở phổi dẫn đến ho khan, ứ trệ khó tiêu, trúng độc do ăn cá, rùa. Đông y thường dùng trám làm thuốc chữa ho, lợi phổi.
Ngoài ra Trám còn có tác dụng sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc cá, giải say rượu mê man, nôn mửa, nhức đầu
Trước đây khi kinh tế khó khăn quả Trám được coi như món thịt của người nghèo, ngày nay khi kinh tế phát triển thì quả Trám đã trở thành đặc sản và chế biến được nhiều món ăn ngon và nổi tiếng. Từ quả trám, có biết bao món ngon miệng được sáng tạo chế biến ra. Nhưng có điều đây là một thứ quả rất đặc biệt ngay từ khâu chế biến. Đa số các loại quả khác chỉ cần ninh nhừ hay luộc chín là ăn được. Còn với quả Trám nếu đem về, rửa sạch và cho vào nước đun thật sôi thì chắc chắn quả trở nên cứng như đá, chát đắng.
Trám đem về ngâm trong nước lã từ 2-3 giờ cho hết nhựa, rửa sạch. Thứ quả này muốn mềm ăn bùi bùi thì có hai cách chế biến trám là trám om và trám nấu. Trám om là cho trám vào nước ấm ngâm khoảng chừng nửa tiếng thì chín, cùi có màu vàng, vị bùi, béo ngậy. Khi trám nguội, sờ thấy mềm, thôi hết nước đen ra thì ta vớt trám ra, dùng dao sắc cắt dọc quả trám, tách bỏ hạt, thành hai miếng cùi hình cong như chiếc thuyền nhỏ xíu. Trám om khi ăn thường chấm với tương sẽ tăng hương vị của Trám, ăn kèm với thịt ba chỉ luộc thì ngon tuyệt. Sau lớp vỏ đen là lớp thịt trám màu vàng nhạt, vị bùi, béo ngậy
Trám nấu tức Trám đã được om chín, cho thêm muối, đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn, đem đổ vào vại ngâm để ăn dần. Từ trám nấu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó món gỏi trám và món nham đã trở thành đặc sản.