Từ lâu, hành tăm đã được dân gian sử dụng như một vị thuốc để chữa bệnh và làm gia vị trong chế biến các món ăn.
Hành tăm được dùng để làm gia vị chế biến thức ăn. Có nhiều cách chế biến hành tăm, cách đơn giản nhất là dùng để xào nấu, ướp thịt. Hành tăm đập dập ướp vào cá dùng để kho vừa khử mùi tanh của cá vừa cho mùi thơm rất đặc trưng.
Bởi hành tăm có tính ấm, khi phi lên mùi vị thơm đặc trưng nên thường được sử dụng trong chế biến các món ăn có tính lạnh như: Lươn, ngao, các loại cá… khử mùi tanh.
Hành tăm còn kết hợp với lá chanh, muối trắng, tiêu bột và nghệ tươi để chế biến món thịt gà nấu xáo.
Hanh tam, gia vi tot suc khoe va lam duoc nhieu mon ngon-Hinh-2
Một món ăn từ hành tăm không thể không kể đến đó là cháo gà nấu hành tăm vừa dễ làm, lại có tác dụng giải cảm lạnh, bổ sung dinh dưỡng. Cả người già, trẻ nhỏ hay bà bầu ăn đều rất tốt, đặc biệt trong thời tiết lạnh.
Theo Lương y Đình Thuấn, trong Đông y, hành tăm vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm có tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, trị cảm hàn, bí tiểu tiện, côn trùng cắn, ngộ độc chì… Một số bài thuốc được đăng tải trên báo Sức khoẻ đời sống, bạn có thể tham khảo:
– Trị cảm hàn: Giã 10 củ hành tăm, sắc uống, bã dùng đánh gió.
– Trị trướng bụng, bí tiểu tiện: Giã hành tăm rồi làm nóng, đắp vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Trẻ nhỏ bí đái dùng củ hành tăm 4g giã giập, chưng cách thủy với một chén con sữa mẹ, cho uống nóng (bỏ bã).
– Ho gà: Củ hoặc lá hành tăm giã nhuyễn với đường phèn hấp cơm hoặc chưng cách thủy, chắt nước uống.
– Bị trúng gió cấm khẩu: Giã 10g hành, ép lấy nước, dùng lông gà quét nước hành vào cổ họng cho nôn hết nhớt ra.
– Trị tiêu chảy: Lấy vài củ hành tăm, 10g táo tây cho vào nồi sắc nước uống.
– Trúng độc: Giã hành tăm, pha rượu uống.
– Rắn cắn, ong đốt, rết cắn: Theo kinh nghiệm, khi bị trùng thú cắn thì ngay lúc đó nhai một nắm hành tăm, nuốt một nửa, nửa còn lại đắp lên chỗ bị cắn (sau đó đưa đến bác sĩ để chữa trị).
– Chấn thương máu tụ: Dùng củ hành tăm nấu: Nước dùng rửa vết thương, còn giã phần bã để đắp.